Que Kem Nhà Tôi

Chương 6



Tết đến rồi!

Tết đến, nghĩa là thu nhập tăng (lì xì đó mà). Tết đến, dù được nghỉ có chín ngày thôi, tôi cũng cảm thấy rất là sung sướng. Bởi vì tôi có thể ăn, ngủ, coi phim, đọc truyện suốt chín ngày luôn, tức là nằm lăn lộn trên giường. Nghĩ thôi mà cũng thấy sướng rồi.

Đọc tới đây, mọi người phát hiện ra cái gì bất thường chưa? Vâng, tôi chính là cô gái lười biếng chính hiệu. Nhắc tới các nhân vật trong truyện ngôn tình mà sau này tôi đọc, tôi chính là trạch nữ đó, ha ha. Có một danh hiệu như vậy về dạng con gái này, làm tôi mừng ghê. Chí ít thì bên Trung Quốc cũng có một đám đứa con gái giống mình. Như vậy, mình đỡ cắn rứt lương tâm, đỡ cắn rứt với cha mẹ hơn, và có chút xíu lý do để phấn đấu vì sự nghiệp trạch nữ, duy trì nguyên trạng, ha ha.

Gần Tết, mẹ tôi hay bắt tôi với thằng em trai của tôi nhổ sạch lá mai, để mai trổ nụ, ra hoa. Mà nhà của tôi có tới gần mười cây mai lận. Mỗi lần Tết sắp tới, tôi đều ai oán giận thầm bà ngoại, người bà kính mến đã về Tây Thiên mấy năm rồi, người đã hăng hái trồng một đống mai trước sân nhà tôi, khiến tôi mỗi năm đều phải nhín tiền ăn vặt một ít, để bóc lột sức lao động thằng em. Tôi ra giá với nó: “Một cây mai mười ngàn nha”. Nó ấm ức ra giá: “Hai mươi”. Tôi cãi lại: “Mọi năm đều mười ngàn mà em?”. Nó liếc tôi: “Chị không thấy mấy cây mai lớn hết rồi hả? Quá trời lá luôn. Chị không chịu thì chị tự lặt lá mai đi”.

Thế là, dù không cam tâm, tiền vẫn bay từ túi tôi qua túi thằng em tôi. Thằng em này đúng là đồ có tiềm năng tư bản mà. Chẳng biết từ nhỏ tới giờ nó để dành được bao nhiêu rồi. Chỉ biết là mỗi lần tôi lén lén lấy cái con heo đất của nó ra sờ sờ lắc lắc là bị nó thét lên, giành giựt lại con heo, rồi chạy vô mách mẹ, hoặc là liếc tôi, khóc sướt mướt. Đúng là cái thằng em ích kỷ. Bởi vậy hồi đó con Thắm nó nhìn chỉ tay tôi, nó nói: “Số bà tiền vô là chảy ra hết đó”. Tôi đen mặt, mắng nó mỏ quạ. Nhưng mà ngẫm lại, từ nhỏ tôi đã ra tiền thế này, không biết mai này ra sao nữa. Thật là rầu rĩ u sầu mà.

Tết đến, tôi có thể được yên thân vài ngày, không còn đi học nữa, có thể thoát được mấy lời đồn đại trong lớp, khỏi phải vô lớp mỗi ngày, khỏi gặp cái thằng que củi kia. Ôi thật là sung sướng. Chỉ bực một nỗi là tối ngày phải ăn nào là thịt kho Tàu, khổ qua dồn thịt, gà luộc hoặc nấu cháo, ngán gần chết luôn.

Chưa được sung sướng vài ngày thì tôi phải xách xe đạp đi du hí. Khi thì con Loan với con Thắm rủ đi mướn truyện, uống nước mía, khi thì con Thu rủ đi chợ bông, khi thì cả ba đứa rủ tôi đi chúc Tết thầy cô. Tụi nó tối ngày gọi điện thoại bàn rủ tôi hết vụ này tới vụ nọ, khiến tôi bất đắc dĩ phải lê lết ra khỏi nhà.

“Mấy bà làm gì vậy, tui đang nằm ở trên giường đọc Đô rê mon thì Thu nó gọi, mấy bà đi chợ bông thì đi đi, rủ tui làm cái gì?” – Tôi mặt nhăn mày nhó oán trách tụi nó.

“Chợ bông mỗi năm mới có một lần mà bà cũng không chịu đi. Bà trốn ở nhà riết làm gì vậy hả? Sao bà không chung vô chuồng heo ở chung với tụi nó luôn đi.” – Thu nó độc miệng thật.

“Bà không biết gì hết đó Thu. Nó sao dám vô chuồng heo. Mẹ nó mà vô chuồng heo không biết đâu là heo đâu là nó, mang nó đi cân ký rồi bán luôn thì nguy.” – Loan nó phụ họa. Hai cái đứa này, liếc tụi nó bao nhiêu cũng không đủ mà. Tôi lấy tay, nhéo tụi nó một cái. Tức ghê luôn, hết vô lớp bị ăn hiếp mà giờ còn bị ba cái đứa này xỏ xiên, tôi muốn bỏ chợ về luôn cho rồi.

Không khí chợ bông thật là náo nhiệt. Chợ bông ở quê tôi thực ra là công viên mé sông của thị xã, được người ta ngăn thành từng ô để cho mọi người buôn bán, nhằm tiện cho việc xách nước từ dưới sông hoặc là bơm lên tưới mấy cây bông. Để đi tới đây, tôi với ba nhỏ bạn này phải đạp xe từ nhà ở bên huyện qua đây mất khoảng bốn mươi lăm phút, tại quê tôi là thuộc một huyện nằm giáp ranh thị xã mà. Bởi vậy tôi mới nhăn nhó chẳng muốn đi chút nào. Cũng tại tụi nó lôi kéo, bằng không còn lâu tôi mới đi. Chợ bông này thỉnh thoảng còn bắt gặp người quen bên xã tôi qua đây bán nữa. Mà tôi thật không hiểu sao lại đi chơi ban đêm. Sáu giờ ba mươi, trời thì tối hù, coi được gì mà coi, có thấy gì đâu mà thấy.

Vừa đạp xe dạo vòng chợ bông vừa ngắm, y chang như thành ngữ “Cưỡi ngựa xem hoa” rồi. Nhưng được cái là ngựa này chậm như rùa, tại cái chợ nằm ven đường, mà đường thì nhỏ, người thì đông, kẻ mua thì tấp lại ven lề. Thành ra lòng đường thu hẹp còn có chút xíu. Đi xe đạp chậm còn mệt hơn đạp nhanh, phải căng thần kinh ra mà chú ý không đụng vô người ta, bực bội vô cùng, đúng là đi xe vô chợ mà.

Tôi càng bực bội, ba đứa kia càng hí hửng. Tụi nó vừa đi vừa ngắm, vừa phân loại bông mới ghê. Tụi nó biết đủ thứ dạng bông. Biết phân biệt cúc vạn thọ với vạn thọ. Nhiều lúc hứng lên, tụi nó quay sang bảo tôi: “Chỗ đó bán mấy cây bông hồng kìa”. Rồi tụi nó hí hửng chạy tới coi, trong khi tôi thì chẳng thích thú gì.

“Bà sao mà kỳ vậy? Đi chơi với bạn mà mặt bí xị là sao?”

“Vậy tui hỏi mấy bà nè. Có gì vui không? Bông cắm trong bình rồi cũng héo, mua mấy cây bông về rồi tụi nó cũng chết. Không hiểu sao tui thì thấy không có gì đẹp mà mấy bà mê vậy?”

“Thôi bỏ nó qua một bên đi. Dẫn nó đi thiệt là mất hứng. Lần sau tụi tui không rủ bà nữa đâu”

Nhìn ngắm bông, tôi thà ngắm người sướng hơn. Ái chà, bên kia một cặp anh chị đang đi kề sát bên nhau, ra vẻ e thẹn nữa, đúng là đang yêu sướng thật. Còn bên kia nữa, chỗ cái băng đá, cũng có hai người ngồi sát, dựa vai vào nhau.

Nhìn mấy cặp đôi dạo chợ bông, tôi vừa tưởng tượng ra hình ảnh của Duy. Ước gì hai người đó là tôi và Duy thì tốt biết mấy. Chúng tôi đi bên cạnh nhau, Duy choàng khăn lên cổ tôi. Tôi ra vẻ e lệ, chạy đến nâng niu mấy cánh hoa. Từ nhỏ tôi đã mơ một ngày mùa đông mình được người yêu choàng khăn như vậy, dù trời có nóng như lửa cũng không cần quan tâm. Ấp ám biết bao.

Nghĩ tới đây, đột nhiên tôi rùng mình, ớn lạnh. Chắc tại mấy ngày này Tết mà, trời có vẻ se se.

Bỗng tôi dụi dụi mắt, nhìn thấy phía trước mình. Gầy gầy, cao cao. Que củi chứ ai. Không sai vào đâu được. Trừ phi tôi bị cận, hoặc bị hoang tưởng quá độ. Tuy là bây giờ trời đang tối, nhưng làm sao tôi nhìn lầm cái thằng này được chứ.

Tiến tới gần chỗ que củi đang bán, tôi dựng xe, thấy que củi đang bán vạn thọ cho một chị khách.

Tôi chờ, chờ mãi, rốt cục cũng chờ được que củi cất tiếng: “Dạ chị ơi chị mua bông gì. Em có vạn thọ, cúc vạn thọ, cúc trắng …” – Nói chưa hết câu, que củi đã nhìn qua, thấy tôi. Thế là que củi đớ miệng, câm như hến.

“Chà, đủ thứ hết ta” – Tôi lên tiếng, vẻ mặt đắc ý cười cười nhìn que củi.

Thành không nói gì, cứ đứng đó, quay mặt chỗ khác, lo dọn dẹp mấy cây bông, không thèm nhìn tôi.

“Ê ê, không phải bạn bán bông sao? Sao bạn không hỏi khách mua gì hết vậy?”

Thành vẫn không thèm quan tâm tới tôi. Tôi tức lắm.

Đột nhiên, có một người khách chạy lại chuẩn bị hỏi Thành: “Bông này bao nhiêu…”

Ông khách chưa nói hết, tôi lập tức nhảy vô: “Chú ơi chú không thấy bông này tệ lắm sao chú. Chú nhìn đi. Vạn thọ này bông to như vậy, nhất định là sắp héo rồi. Con mới hỏi giá từ miệng cái thằng que củi này, mắc lắm. Chú qua bên kia mua đi, rẻ hơn ở đây nhiều.”

Ông khách thấy tôi huyên thuyên, thấy kỳ lạ sao đó, rồi lắc lắc đầu, bỏ đi chỗ khác, trước khi đi nói vọng lại một câu: “Khùng”

Thành nhìn tôi chuyển sắc mặt từ vui thành đơ, cười mỉm. Sau đó lấy cái giấy gì đó rồi cầm bật lửa đốt lên, huơ huơ trước mặt tôi. Tôi thấy lửa thì phải né chứ sao. Tôi tức tối: “Bạn làm cái gì vậy?”

“Đốt phong long”

Tôi tức sôi máu. Giận vô cùng. Thành đốt xong, lấy thùng đi múc nước tưới cây. Đùng một cái, tôi xô Thành xuống sông, ngay lúc Thành đang xách nước. Sau đó tôi lấy xe đạp, đạp như điên, bỏ trốn khỏi hiện trường.

Mùng ba Tết, tôi phải đi chúc Tết thầy cô. Cho nên ngày hôm đó căn nhà nhỏ của cô chủ nhiệm lớp tôi chật luôn, chẳng còn cái ghế để ngồi.

Từ cái hôm xô Thành xuống sông, tôi tò mò, không biết Thành có sao không? Tôi lo cho có vậy thôi, chứ dân quê mà, dám đi buôn bán, đi ra sông xách nước, chẳng lẽ không biết bơi? Cho nên nếu có vấn đề gì là tại Thành chứ không phải tại tôi à nha.

Ngồi nói chuyện một hồi, tự dưng cô chủ nhiệm hỏi tới Thành, kêu là sao không thấy nó, hôm trước cô tôi đi chợ bông gặp nó đứng bán, nó hẹn là mùng ba này ghé nhà cô.

Tôi cũng tò mò, nhưng không để lộ ra mặt, im lặng ngồi hóng.

“Nó bịnh rồi cô ơi” – Tôi nghe tiếng từ Quang, hơi chột dạ.

Hỏi ra mới biết Thành hôm đó bị té xuống sông, nghe đâu là bất cẩn. Nhưng vì còn quá chừng bông để bán, do mới dọn hàng, nên nó nán lại bán tới khuya. Người thì ướt sủng không có cái gì để thay. Cho nên, viêm phổi rồi, đang nằm viện.

Đúng là ngu ngốc mà – Tôi nghĩ thầm trong bụng. Không chịu về thay đồ, ham chi ở lại bán chứ, giờ tiền viện phí còn hao tổn hơn tiền lãi cả mấy ngày buôn bán nữa kìa.

Về nhà, kể lại cho con Thắm qua điện thoại bàn, tất nhiên, tôi bị nó chửi.

“Bà đúng là mất nhân tính mà”

“Bà không mau đi thăm nó đi”

“Bà coi chừng nó có bề gì là bà ôm hận suốt đời đó”

Đạp xe qua bệnh viện, tôi với con Thắm mua sữa, mua đường. Lần đầu tiên trong đời, tôi biết thế nào là đi thăm bệnh một người. Tính ra, anh xã lại cướp mất thêm một lần đầu tiên của tôi nữa rồi.

Vô bệnh viện, nghe theo chỉ dẫn của thằng Quang trước khi đi, tôi vô cái khoa phổi, lòng lâng lâng.

Không phải lâng lâng vì xúc động đâu, vì sợ hãi đó. Từ nhỏ, tôi là đứa thích màu hồng. Màu của sự hoàn hảo. Thành từng chửi tôi kiêu kỳ, tiểu thư, cũng không phải không có lý. Tôi rất là sợ sệt khi tới bệnh viện. Không phải sợ đau, sợ bị tiêm thuốc như mấy đứa con gái bình thường, mà là sợ bị nhiễm vi khuẩn, bị lây bệnh. Giờ lại vô khoa phổi nữa chứ, cái khoa mà bệnh đứng vị trí số một về lây nhiễm đó nha. Cho nên, từ trong phòng bệnh nhìn ra cửa, người ta sẽ thấy một con nhỏ đeo khẩu trang, trùm khăn kín mít, tay cũng mang bao tay, từ từ nhích vô phòng bệnh. Đi cùng là một con nhỏ nhìn có vẻ hơi ngơ ngẩn – Thắm chứ ai. Tính ra, cũng nhờ con Thắm hết. Nó là đứa chuyên gia thức tỉnh lương tâm của tôi khi tôi lầm đường lạc lối mà. Trời ơi tôi yêu nó quá. Nhưng mà nếu tôi có mệnh hệ nào vào cái lần thăm bệnh này thì nó cũng đừng hòng thoát khỏi liên lụy.

Tôi chuẩn bị vô phòng bệnh, thì đột ngột, Thắm nó kéo tôi qua cạnh cánh cửa.

“Bà bình thường chút được không? Gỡ khẩu trang, khăn, bao tay, áo khoác ra hết đi”

“Nhưng mà tui sợ”

“Sợ cái gì? Người ta cười cho bây giờ. Thăm bịnh mà bà không có chút thành ý gì hết vậy?”

Tôi bực bội, nghe lời nó, cởi mọi thứ ra, sau đó giả vờ mếu máo một chút: “Tui mà bịnh là bà phải chịu trách nhiệm đó.”

Nó im lặng, suy nghĩ thật lâu thật lâu. Sau đó nó im lặng tiếp, không nói gì, cuối cùng thì phán một câu vô mặt tôi: “Thôi thì bà ở ngoài này luôn đi. Vô trách nhiệm, không có lương tâm”.

Đúng là không ai hiểu tôi bằng nó nha. Bị khích tướng, tôi khí thế hiên ngang đi như bay vô phòng bệnh.

Thế nhưng, công toi rồi, Thành với mẹ nó về nhà hồi sáng rồi.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.